CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Khóa tu ngày an lạc lần thứ 11

Chương trình pháp thoại

TT. TS.Thích Đồng Trí, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, quản Chúng chùa Giác Ngộ đã trao truyền cho các hành giả bài pháp thoại với chủ đề: ‘’Ý nghĩa Phật thành đạo ‘’.

Thượng tọa đã đi lướt qua phần lịch sử mà đi sâu phân tích phần triết lý cuộc đời đức Phật từ khi sinh ra cho đến khi thành đạo,  đã tái hiện lại sâu sắc hơn cuộc đời đức Phật, từ đó rút ra các bài học sau: i)Lục độ Ba la mật, nguyện lực vào đời; ii) Dấu hiệu của thánh nhân, sự toàn hảo; iii) Tư chất thông minh lương thiện, tài năng xuất chúng; iv)Ở đỉnh cao danh vọng, quyền lực nhất; v)Ngài không thỏa mãn trong những vật dụng thường tình, ở trong miếng mồi nhử của thế gian; vi) Ngài dám xuất gia ở trong tư thế đầy đủ nhất, cuộc xuất ly vĩ đại nhất, tấm lòng từ bi vì mục tiêu cao cả nhất; vii)Thiết tha tinh tấn học đạo; viii) Trải qua cuộc chiến với ma vương.

Thượng tọa cũng tha thiết nhắc nhở mọi người là Phật tử chúng ta đừng đổ thừa cho hoàn cảnh mà hãy vượt lên trên hoàn cảnh, khó khăn. Nhớ ơn Ngài không phải một ngày, một bữa mà là trong từng sát-na, trong từng tâm tưởng, trong từng hành động, chúng ta hãy nguyện làm sứ giả Như Lai. Là Phật tử phải là một người Phật tử xứng đáng từ khẩu Phật mà sanh, từ ý Phật mà tái hiện Tịnh độ nhân gian khiến cho ánh sáng của Ngài lan rộng đến khắp mọi nơi, đến tận cùng ngõ hẻm của cuộc sống.

Bài thơ: ‘’Hồi đầu’’do chính Thượng tọa sáng tác đã được thầy đọc tặng cho các hành giả thay cho lời kết của buổi pháp thoại.

 Chương trình ‘’Phương trời thong dong’’

Hiện diện trong chương trình “Phương trời thong dong’’ kỳ thứ 9, các hành giả đã được gặp gỡ ĐĐ.TS. Thích Minh Nhẫn-UV Ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Giảng viên HVPGVN TP.HCM, Chánh Thư ký Ban trị sự kiêm trưởng Ban Giáo dục Tăng, Ni THPG Kiên Giang; Trụ Trì Chùa Phật Quang TP. Rạch Giá là người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang – huyện Hòn Đất.

 

 

Đại đức đã bảo vệ thành công Luận án Thạc sỹ triết học Trung Quốc. Hiện Thầy đã hoàn thành luận án Tiến sỹ “Nguyên lý Giáo Dục” tại trường Đại học Sư Phạm Hoa Trung Trung Quốc. Tốt nghiệp Tiến sỹ  khoa học chuyên ngành Quản trị chiến lược tại Philips và nhận bằng Giáo sư danh dự do trường đại học Apollos, Mỹ trao tặng.

 Như thường lệ qua MC. Lâm Ánh Ngọc, các hành giả được nghe về con đường đến với Phật giáo và xuất gia của Thầy bắt đầu từ việc quá khổ. Cái khổ bắt đầu từ một gia đình có người cha bắt đầu từ 6h sáng thức dậy là phải có bình rượu nhậu suốt từ sáng cho đến chiều tối. Bản thân Thầy phải đi bán đậu rang, vé số từ năm mới 6, 7 tuổi. Phước duyên lớn nhất của Thầy là có bà Nội đi tu, bà và Sư phụ của Thầy là một trong những người có công lớn nhất lập lên chùa Phật Quang bây giờ. Mỗi khi buồn, đến chùa được Nội thương, được hái trái cây ăn, được chơi bắn bi, vì vậy muốn ở chùa và đó là nhân duyên muốn được cạo đầu đi tu. 

Nước mắt Thầy đã rơi khi bao năm qua Thầy đã nén nỗi niềm của mình và hôm nay khi kể lại những kỷ niệm về cha mẹ Thầy và rất nhiều hành giả đã khóc, giọt nước mắt dâng kính đến cha mẹ đã tạo dựng nên một vị Thầy của ngày hôm nay.  

Các hành giả cũng rất xúc động khi được biết những năm tháng vô cùng khó khăn khi mà cả đất nước ở vào những năm 80, việc ăn mít và củ chuối cả tháng thay gạo là chuyện bình thường. Nhưng những khó khăn về vật chất đó không là gì, cũng không để lại dấu ấn nhiều trong ký ức của Thầy.

Hành giả cũng được biết đến Thầy dành được những giải thưởng trong học tập  tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

Hành giả cũng rất lý thú khi được nghe về việc học của Thầy trong suốt quá trình học thế học và Phật học, nhưng nhân duyên, phước báo đến với Thầy trong việc mơ ước được đi du học cứ như một câu chuyện cổ tích.

Hai bà cụ Diệu Ý và Thuận Ngọc đã làm thay đổi cả cuộc đời của Đại đức mà Thầy phục vụ cho Phật giáo sau này.  Hai cụ đã lo học phí trong suốt những năm du học, một đứa bé bán vé số mà được đi học đến đại học lại được đi du học là một phước báo quá lớn đối với Thầy.

Đại đức là người phải chịu cảnh khổ từ tấm bé, thế nên Thầy vô cùng thông cảm với nỗi bất hạnh của những trẻ mồ côi. Từ đó, Thầy hằng ôm ấp ước nguyện thành lập một ngôi trường nội trú (nay là Trung tâm Từ thiện xã hội) để nụôi dạy các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến bây giờ thì ngôi trường này không chỉ có cấp 1,2,3 mà còn có cả mẫu giáo và đã có 5 em vào đại học. Trong tương lai Thầy còn xây dựng một ngôi chùa chuyên phục vụ cho sinh viên nghèo  ở gần trường đại học Kiên Giang.

Một phương châm mà Thầy mong muốn nhắn gửi đến với mọi người cũng là lời Thầy thường dạy đệ tử là:‘’ Điều khổ nhất, khó khăn nhất, nó chính là điều hạnh phúc nhất trong tương lai’’. Và chính vì vượt qua được những khó khăn nghịch cảnh như vậy để rồi có được thầy Thích Minh Nhẫn vẫn đứng vững như ngày hôm nay!

Sau năm 2010 khi tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Kiên Giang thì Phật giáo Kiên Giang lột xác rất mạnh mẽ trong đó có sự đóng góp rất lớn của ĐĐ. Thích Minh Nhẫn. Thầy là một nhân tài trẻ cho Phật giáo nước nhà nói chung và cho Phật giáo tỉnh Kiên Giang nói riêng!

Chương trình Thiền tập

Thiền tập trước chương trình buổi chiều được hướng dẫn do hai Đại đức Quảng Tín và Ngộ Đức để mọi người nạp thêm năng lượng cho việc tu tập buổi chiều, đem đến thân và tâm trong chánh niệm.

Chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật’’

Hoa hậu đã hiếm lại còn biết theo đạo Phật thì cũng chỉ vài người! Đến với chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật’’ kỳ này đó là Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 Ngọc Diễm.

Sau các cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước, cô chuyên tâm vào sự nghiệp học hành, làm MC, thành lập Công ty TNHH Truyền thông Ngọc Nam Phương chuyên tổ chức sự kiện và các giải pháp truyền thông. Người đẹp cũng đậu ba đại học và tốt nghiệp Đại học Ngoại thương TP HCM.

Qua MC. Thảo Nguyên các hành giả được biết đến một Ngọc Diễm biết đến đạo Phật từ năm 7 tuổi qua sinh hoạt Gia đình Phật tử. Cơ duyên thứ hai là mãi năm 24 tuổi khi có một nỗi buồn về tình cảm, khi đó Ngọc Diễm mất hết niềm tin vào mọi người và mất cả niềm tin vào tôn giáo. Liệu rằng Ngọc Diễm bất hạnh thì có đủ tự tin mang đến hạnh phúc cho người thân?

Những điều cô thay đổi dần như ngày xưa ai nói xấu mình mà mình không như thế thì chỉ biết đóng cửa khóc, còn giờ thì Ngọc Diễm nói:‘’Ai nói thì nghe đi, mình đâu có như vậy thì không cần phải giải thích, không cần quan tâm’’. Với con, cô cũng kiên nhẫn hơn và mỗi ngày chữ nhẫn trong cô cứ lớn dần lên: nhẫn với những điều tiếng xung quanh mình, nhẫn với những điều bực mình của người thân, nhẫn với những người khác ngoài xã hội. Theo cô, để sống bình an đơn giản lắm: i) Mình hãy làm tốt việc của mình; ii) Đừng có chen vào quá nhiều việc của người ta; iii) Đừng có than vãn việc của ông trời. Đó là cách tu tập từ năm 24 tuổi đến giờ của cô.

Các hành giả cũng được biết đến một Hoa hậu nuôi dạy con mặc dù cô theo học thuyết vạn sự tùy duyên nhưng cô vẫn tạo cơ hội môi trường là thường xuyên dẫn con đến chùa. Mới 3 tuổi bé đã biết tự chắp tay lậy Phật  khi nhìn thấy tượng Phật.

Nếu không được nghe giới thiệu là Hoa hậu mà chỉ nghe cô nói 5 điều đạo đức Phật dạy hay  thuyết nhân duyên, thuyết nhân quả thì cứ nghĩ cô là một giảng sư nào đó đang thuyết giảng một bài pháp thoại. Đó là với đạo.

 Còn với đời: Quan niệm Hoa hậu là một ‘’Bình hoa di động’’ hay ‘’Chân dài não ngắn’’ theo Ngọc Diễm cho rằng đó là một quan niệm định kiến mà đã là định kiến thì đều giới hạn tầm nhìn, nó làm cho mình khi đánh giá hay nhìn nhận về một sự việc nào đó sẽ làm cho chặn lòng mình lại trước khi mình có cơ hội để thấu hiểu người ta. Theo Ngọc Diễm, nếu như mọi người tin vào thuyết Nhân Quả thì kiếp trước họ đã tu, kiếp này họ đã được một tướng mạo đẹp như vậy, với gương mặt sáng sủa như vậy thì không có lý gì lại cho họ là không thông minh. Các cô hoa hậu rất thông minh! điều quan trọng là con đường họ lựa chọn là gì.

 Theo cô, có hoàn hảo hay không thì mình không dám chắc, nhưng cô tin rằng cô đang cố gắng từng bước, từng bước, để trở thành một người hoàn thiện hơn mỗi ngày: ‘’Mình của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay’. Đó là kim chỉ nam của cô  trong cuộc sống.

 ‘’Ngày an lạc ‘’ tại chùa Giác Ngộ được ngắm nhìn, được nghe con đường đưa đến phương trời thong dong của các vị Thầy và những người nổi tiếng của công chúng để cho mọi người tự nhìn, tự suy ngẫm lại mình.

Đúng là: một ngày đầu năm sống thật ý nghĩa!

Rất mong được gặp lại các hành giả vào khóa tu ‘Ngày an lạc’ kỳ 12: 05-02-2017 (09-01 Đinh Dậu) dành cho người lớn tuổi.  Và khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ kỳ 08: 15-01-2017 (18-12 Bính Thân)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận