CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Dấu ấn ngày thứ 1 tại khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên 2 và khóa tu Ngày An Lạc 18

Ngày 30/4/2017, ngày tu tập đầu tiên tại khóa tu xuất gia gieo duyên II và ngày an lạc 18 tại chùa Giác Ngộ, số 92, Nguyễn Chí Thanh, Q.3, TP.HCM được BTC sắp xếp thời khóa tu học logic cho hơn 700 hành giả về tham dự. Chương trình tụng kinh, tọa thiền được bắt đầu từ lúc 4h00 sáng do tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn. Mở đầu thời khóa học tập giáo lý và lắng nghe chánh pháp là thời thuyết giảng của TT. Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, trưởng BTC khóa tu với đề tài: “Vượt qua bệnh tự mãn”. 

 

Đúng 9h00 sáng, chương trình được tiếp tục với sự chia sẻ của GS. Lê Tự Hỷ, nhà nghiên cứu về Phạn văn (Sankrit) của đạo Phật. Giáo sư năm nay 77 tuổi, phát tâm quy y Tam bảo từ năm 1960. Thầy bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về Phật học từ năm 2000, tính đến nay đã trải qua 17 năm. Thành quả sau những năm nghiên cứu Phật học, giáo sư đã cho ra đời 4 quyển sách “Tự học tiếng Sankrit” dài 300 trang. Giáo sư còn viết các cuốn như: “Thần chú trong Phật giáo”. Đây là quyển sách nghiên cứu chuyên sâu về thần chú có nguồn gốc từ tiếng Sankrit. Và cuốn sách về cuộc đời của Đại đế Asoka. Bên cạnh đó, giáo sư là tác giả của nhiều bài nghiên cứu được đăng tải trong các tạp chí, sách hội thảo trong và ngoài nước. Tuy xuất thân là một giảng viên toán học, nhưng thầy rất đam mê nghiên cứu về Phật học.

 

Giáo sư đến với khóa tu và giao lưu cùng hội chúng chủ đề: “Cuộc đời của Đại đế Asoka”. Thầy cho biết: “Asoka còn được gọi là A Dục, nghĩa là không ưu phiền, là vô ưu. Asoka còn mang nghĩa của một loài hoa - hoa vô ưu. Đối với vua A Dục, thế giới sẽ hòa bình nếu con người biết tu theo Phật pháp. Con người sẽ hạnh phúc nếu biết thực tập và nương tựa vào Tam bảo. Ông đã áp dụng giáo lý đạo Phật trong quá trình cai trị đất nước, giúp dân sống đạo đức, hướng thiện, hướng thượng. Cấm hành hạ và giết hại súc vật, ban chiếu chỉ cho đào nhiều giếng nước và trồng nhiều cây xanh, mở nhiều trạm chữa bệnh giúp đỡ dân nghèo.

Cuộc đời của đại đế Asoka để lại dấu ấn đáng nhớ với hai sự kiện trọng đại. Đó là một A Dục vương tàn ác, bạo ngược, là vị vua thiện chiến giết người không gớm tay. Và một A Dục vương tu nhân tích đức, thương dân như con ruột của mình khi đã trở thành Phật tử. Nhờ giác ngộ giáo lý đạo Phật, nhờ vào sự hộ trì Tam bảo và hết lòng phục hưng đất nước, tên của ông được vang danh trên bầu trời Ấn Độ. Những đóng góp ông để lại cho Phật pháp, cho Ấn Độ và cuộc đời vô cùng lớn lao.

 

Nói đến sự đóng góp của ông thì rất nhiều. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là những cột mốc lớn như việc hộ trì kết tập kinh điển, gửi các phái đoàn truyền giáo ra nước ngoài, trong đó có cả con trai (hoàng tử) và con gái (công chúa) của ông. Suốt thời gian trị vì đất nước, ông cho xây dựng nhiều chùa, tháp, nhiều Tịnh xá và hết lòng bảo hộ chư tăng. Ông cũng đích thân đến hành hương, chiêm bái các Thánh tích, bao gồm tất cả những nơi có bước chân đức Phật du hóa. Và sau mỗi cuộc chiêm bái, ông đã khắc vào các trụ đá về các sự kiện trong cuộc đời đức Phật. Cũng nhờ việc làm ý nghĩa này của ông, nhiều thế kỷ sau các nhà khảo cổ học đã tìm ra nguồn gốc của đạo Phật, những nơi đức Phật và chư tăng từng hoằng hóa…
Buổi chia sẻ của giáo sư đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các hành giả tu tập. Đó là một vị vua Phật tử, một vị hộ pháp đắc lực của đạo Phật. Chính nhờ sự hỗ trợ trong việc hoằng dương chánh pháp của vua, mà kinh điển Phật giáo ngày nay vẫn còn tồn tại mặc dù Phật giáo đã bị tàn lụi tại nơi sanh ra nó. Chư hành giả biết thêm về cuộc đời và những đóng góp của vua A Dục, đồng nghĩa với việc mỗi người hãy tự phát nguyện hộ trì Tam bảo, cùng tăng già làm cho Phật pháp xương minh.

Thời khóa tu học buổi chiều được bắt đầu từ lúc 13h00. Tăng đoàn chùa Giác Ngộ đã hướng dẫn chư hành giả thực tập thiền tọa trong chánh niệm. Tiếp đến là thời gian vấn đáp do TT. Thích Nhật Từ chủ trì. Buổi vấn đáp diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi lý thú, xoay quanh các vấn đề tu tập, giáo lý cũng như những vướng mắc trong đời sống thường nhật. Bằng kinh nghiệm của một giảng sư thâm niên, Thượng tọa đã giúp chư hành giả giải quyết những nghi vấn trong lòng một cách triệt để. Kết thúc thời pháp đàm là những tràng pháo tay giòn giả, mọi người thể hiện sự hoan hỷ khi đã giải quyết trọn vẹn những nghi vấn trong lòng.

Chương trình tu tập sau cùng được tiếp tục với thời kinh chiều, thời kinh tối, không gian thiền trà gần gủi với những sẻ chia ấm tình đạo vị của chư tăng với quý vị Phật tử đang tu tập tại chùa. Thời khóa cuối cùng trong ngày là giờ thực tập thiền tọa. Giúp các hành giả có cơ hội trải nghiệm đời sống xuất gia, cân bằng thân tâm, trở về với chính con người thuần thiện vốn có. Ngày tu tập đầu tiên đã khép lại trong tinh thần hoan hỷ của các hành giả lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm đời sống xuất gia.

Bình luận