CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè

Một sáng trong lành chủ nhật (ngày 11/07/2021), người Phật tử xếp lại chăn gối, dậy sớm ngồi thiền, đọc tụng Kinh Phật cùng Tăng đoàn chùa Giác Ngộ. Ngoài trời, khi nắng hè tháng 7 tụ tập trên khắp các con đường, tán cây thì trong nhà, người tại gia kiên trì tu tập, mở kinh, mở vở, cầm bút, bắt đầu giờ học Phật online với bài giảng “Dụ ngôn về chiếc bè trong Kinh Trung bộ” của Thầy Nhật Từ.

Khoảng thời gian này, ở nhà vừa là cách người dân tuân thủ quy định của Nhà nước vừa giúp con người tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Chính vì thế, con người có dư dả thời gian để sắp xếp lại tâm trí của bản thân. Khoảng một giờ đồng hồ đọc và suy ngẫm lời Phật dạy, hơn 30 phút ngồi thiền, gần hai tiếng nghe Thượng tọa Giảng sư phân tích và lý giải, tâm trí của người tại gia trở nên an tĩnh và hạnh phúc hơn. Thay vì cứ lướt mạng xã hội, chứng kiến sự tăng dần của số ca mắc, sự khan hiếm của rau củ quả, tâm của mỗi người chỉ chất thêm nỗi lo sợ.

“Chiếc bè” là một trong những dụ ngôn sâu sắc nhất gắn với sự thực tập và vượt qua khoái lạc giác quan mà đức Thế Tôn đã dạy ngày trước. Sau khi đọc từng đoạn Kinh, TT. Thích Nhật Từ phân tích ý nghĩa nội hàm dựa trên bề mặt ngôn từ. Đó là nhận diện những hiểm nguy trong cuộc đời để thấy được rằng các rủi ro có thể ập đến bất cứ khi nào và con người phải thật bình tĩnh, không cường điệu hóa nỗi khổ đau, cũng không sợ hãi trốn chạy khỏi nó. Đó là nỗ lực bằng phương pháp đúng để tạo ra giải pháp, tự mình vượt qua khốn khó. Đặc biệt, nỗ lực tập thể sẽ tạo ra giá trị lớn, kết quả mĩ mãn hơn nỗ lực cá nhân. Đó còn là việc nhận ra giá trị của mục tiêu; có mục tiêu con người sẽ tự khắc tìm được phương pháp, lối đi. Cao hơn mục tiêu chính là lý tưởng; nó như ngôi sao hy vọng giúp chúng ta quyết tâm, tràn đầy niềm tin và sống một đời không uổng phí. Đó còn là sự phê phán khi tôn thờ giải pháp, phương tiện một cách ngớ ngẩn. Vì quá biết ơn một điều gì đó mà con người bộc lộ cảm xúc yêu thương thái quá, từ đó dẫn đến nhiều hệ quả sai lầm, không đáng có. Trong bài Kinh này, cách tôn thờ tốt nhất chính là thả chiếc bè trở về lại bờ bên kia để nó có thể giúp ích cho nhiều người đến sau. Để làm được điều này, con người cần nhận thức rõ công năng của phương tiện, giải pháp mình đã và đang chọn. Ví như chiếc bè, chức năng chủ yếu của nó là đưa người qua sông. Cuối cùng, từ hình ảnh chiếc bè, Thượng tọa nhấn mạnh về bản chất của việc tu tập chính là vượt qua tất cả khổ đau để cảm nhận sự an lạc.

Vậy là, trong quyển nhật ký về sự tu tập vào ngay những ngày giãn cách xã hội, không ít người ghi thêm ở đó các bài học bổ ích. Từ một bài kinh nói về chiếc bè, Thượng tọa Giảng sư lý giải thành nhiều vấn đề, mở ra các góc nhìn mới. Về phía người thực tập, họ cũng có nhiều cách tiếp nhận khác nhau qua các vấn đề đã được gợi mở. Đây chính là cách khai mở trí tuệ ở trạng thái động, bên cạnh việc khai mở trí tuệ ở trạng thái tĩnh, tự mình đọc kinh sách, tự mình ngẫm nghĩ và ngộ nhận. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, hàng tá ý nghĩ, suy tư xuất hiện trong ta để quý Phật tử biết rằng mỗi điều trong cuộc sống đều chính là một bài học.

Chúc mọi người có được những ngày bình yên, kích hoạt lại tâm trí tươi mới và sẵn sàng cho những hành trình sắp tới. Giờ thì, nghỉ ngơi thôi nào!

 

Bài: Bảo Tiên

Ảnh: Ngộ Hùng Dũng

 
Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè Nhật ký ngày thứ ba ở nhà: Học Phật qua dụ ngôn về chiếc bè
Bình luận